Bộ Công an gần đây triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả các loại. Từ sự việc này, một số nghệ sĩ gây chú ý với khán giả khi tham gia vào quảng cáo sản phẩm, trong đó có các nhãn sữa.
Ngày 16/4, diễn viên Doãn Quốc Đam xin lỗi vì từng giới thiệu một nhãn sữa bị cho là của một trong hai doanh nghiệp trong nhóm sản xuất sữa giả. Anh nói thời điểm đóng quảng cáo, phía công ty cung cấp đầy đủ giấy tờ kiểm định. Anh chỉ nói theo kịch bản của nhãn hàng, không kêu gọi mua và sử dụng sản phẩm.
Trước đó, diễn viên Vân Hugo, MC Hoàng Linh, bị nhận xét "quảng cáo lố" về một dòng sữa giúp tăng chiều cao. Đầu tháng 4, Hoa hậu Thùy Tiên cũng bị phạt hành chính 25 triệu đồng, tạm hoãn xuất cảnh, do cung cấp thông tin sản phẩm kẹo rau củ Kera. Nhiều nghệ sĩ như Hồng Vân, Cát Tường trước đây phải xin lỗi vì quảng cáo quá mức về các loại thực phẩm chức năng.
Chiều 17/4, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết đã nhận được văn bản của Bộ Y tế về việc phối hợp kiểm tra thông tin, xử lý hành vi quảng cáo vi phạm pháp luật của người nổi tiếng.
Ông Xuân Bắc - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - nêu quan điểm: "Với những trường hợp lợi dụng sự nổi tiếng để cố tình quảng cáo sai sự thật, thổi phồng quá mức công dụng của sản phẩm, chúng ta cần làm rõ họ vi phạm những quy định nào, mức độ ra sao và những hành vi đó gây ra tác động tiêu cực thế nào. Từ đó, đưa ra biện pháp xử lý phù hợp".

Chiều 6/4, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình nhận định việc nhiều ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng tham gia quảng cáo sản phẩm trên không gian mạng rất phổ biến. Hoạt động này được điều chỉnh bởi quy định pháp luật, trong đó có Luật Quảng cáo.
Các cơ quan đang sửa Luật Quảng cáo, trong đó đề xuất bổ sung nhiều quy định nêu rõ nghĩa vụ của người nổi tiếng khi quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội. Họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi quảng cáo sản phẩm. Cụ thể, cơ quan quản lý sẽ tăng chế tài xử phạt hoặc cấm người nổi tiếng nếu họ vi phạm hoặc quảng cáo sai sự thật. Những người này cũng có thể bị hạn chế hoạt động nghệ thuật, hạn chế xuất hiện trên truyền thông, mạng xã hội nếu vi phạm.

Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - nhận định: "Một lời quảng cáo sai có thể chỉ là vài phút livestream, vài trăm triệu đồng thù lao. Nhưng hệ lụy là hàng nghìn người mua nhầm, là bệnh tật, là mất tiền, là hoang mang, là khủng hoảng niềm tin. Các cơ quan quản lý không nên đứng ngoài mà cần mạnh tay hơn, chủ động hơn, thậm chí là quyết liệt hơn trong việc xử lý sai phạm, kể cả khi luật mới chưa được thông qua".
Bên cạnh xử phạt hành chính, ông Sơn đề xuất công bố danh sách các nghệ sĩ vi phạm trên phương tiện truyền thông đại chúng, như một hình thức cảnh báo. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế liên ngành giữa Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm theo dõi, giám sát và xử lý vi phạm quảng cáo trên các nền tảng.
Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng văn phòng luật sư Gia Đình - cho rằng việc xử lý nghệ sĩ vi phạm tới nay chưa đủ triệt để, không đủ tính cảnh tỉnh. Thậm chí, tình trạng quảng cáo quá đà, sai sự thật còn gia tăng. Theo ông, người nổi tiếng tham gia quảng cáo sản phẩm sai sự thật thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả.
Cá nhân và tổ chức thực hiện quảng cáo sai lệch về sản phẩm được xác định vi phạm pháp luật có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021, với số tiền từ 60 đến 80 triệu đồng (đối với cá nhân), bị buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo và cải chính thông tin.
Trong trường hợp tổ chức, cá nhân đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn tái phạm, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Quảng cáo gian dối, theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015. Mức phạt đối với tội danh này là phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng, hoặc cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc có thể bị xử lý về Tội lừa dối khách hàng.
Hà Thu